Le Concert (2009) – Buổi hòa nhạc (Review & tải phụ đề Việt)

Le Concert là bộ phim tâm lý – hài, được hợp tác sản xuất giữa Nga và Pháp, đạo diễn bởi Radu Mihăileanu. Phim đã giành giải Bản nhạc gốc hay nhất và Âm thanh hay nhất tại Giải thưởng César 2010; Giải khán giả bình chọn cho truyện kể hay nhất của LHP Nashville; và giải khán giả bình chọn LHP thành phố Traverse. Tác phẩm điện ảnh này cũng được đề cử cho Phim nước ngoài hay nhất tại Giải Quả cầu vàng lần thứ 68 và hai Giải Magritte ở hạng mục Phim hợp tác sản xuất và Biên tập xuất sắc nhất (2011).

IMDb 7.5/10

Andrei Filipov (Alexei Guskov) là một cựu nhạc trưởng từng chỉ huy Dàn nhạc Giao hưởng Bolshoi nổi tiếng của Mátxcơva. Tuy nhiên, vì bênh vực các nhạc sĩ Do Thái và thuê họ vào trong dàn nhạc nên Filipov bị giáng chức xuống làm lao công trong nhà hát nơi ông làm việc. Suốt 30 năm sau đó, ông không có cơ hội chỉ huy dàn nhạc – một niềm đam mê đã ăn vào máu và trở thành niềm sống của ông. Sau khi sự nghiệp bị phá hoại, với danh xưng một nhạc trưởng thất bại, ông trở thành một người nghiện rượu.

Trong sâu thẳm, Filipov luôn nung nấu một ngày có thể trở lại với giấc mơ biểu diễn một bản concerto hoàn chỉnh của Tchaikovsky. Đây là bản nhạc mà trong một buổi hòa nhạc 30 năm trước ông đã từng biểu diễn dang dở do bị phá hoại bởi những đối tượng bài Do Thái lúc bấy giờ.  

Le Concert với cốt truyện thú vị

Trong lúc dọn dẹp phòng của giám đốc nhà hát Bolshoi, Filipov vô tình đọc được bản fax mời dàn nhạc Bolshoi tới biểu diễn cho một chương trình đặc biệt tại Nhà hát Châtelet ở Paris. Ước mơ trong Filipov lại trào dâng và ông đánh liều sẽ thực hiện một kế hoạch lớn – Chắc chắn ông sẽ phải thực hiện một buổi hòa nhạc trọn vẹn tại Paris.

Vị cựu nhạc trưởng Filipov quyết định tập hợp các nhạc sĩ cũ của mình bao gồm các nhạc sĩ già người Do Thái và người Digan – Họ là những người đang phải kiếm sống bằng nghề lái xe hoặc buôn bán. Dàn nhạc của Filipov sẽ tới biểu diễn ở Paris dưới danh nghĩa dàn nhạc Bolshoi hiện tại.

Câu chuyện cảm động chạm tới trái tim

Điểm đặc biệt của bộ phim là cách kể chuyện gợi sự tò mò khi các tình tiết quan trọng dần hé lộ vào phút cuối. Nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng Paris, Anne-Marie Jacquet (Mélanie Laurent) – cô là con của một nghệ sĩ Do Thái bị lưu đày đến Siberia đã phải lưu lạc từ Nga sang Paris trong suốt nhiều năm mà không hề biết số phận thực sự của mình trong quá khứ. Khi được giao sang Pháp, cô được Guylène – một quản lý âm nhạc người Pháp săn sóc và bảo trợ. Người đó sau trở thành quản lý âm nhạc của cô và Anne-Marie Jacquet coi bà không khác gì người mẹ của mình.

Anne-Marie hồi nhỏ khi được giấu trong hộp đàn Violon đưa sang Pháp (một cảnh trong phim Le Concert)

Như một sự sắp đặt của số phận, khi nhận được lời mời biểu diễn solo Violon với dàn nhạc Bolshoi nổi tiếng của Mátxcơva, và đặc biệt là với Filipov, cô đã rất háo hức. Tuy nhiên, Guylène tỏ vẻ miễn cưỡng không muốn Anne-Marie tham gia buổi biểu diễn này. Bà sợ câu chuyện trong quá khứ mà bản thân đã cố gắng che giấu sẽ bị lộ. Guylène sợ rằng sự tái ngộ của nhạc trưởng Filipov và Anne-Marie Jacquet sẽ khiến Anne-Marie tổn thương và bà sẽ mất đi người con gái nuôi đã bên mình suốt bao nhiêu năm.

Khi biết rằng chìa khóa về quá khứ của mình sẽ có cơ hội được hé lộ trong màn biểu diễn, nghệ sĩ vĩ cầm Anne-Marie đã quyết định bằng mọi giá sẽ tham gia buổi hòa nhạc tới cùng để tìm ra cha mẹ thực sự của mình.

Màn biểu diễn âm nhạc tuyệt vời, giàu cảm xúc

Le concert mở đầu và kết thúc với hai màn trình diễn âm nhạc. Nhưng điểm nhấn quan trọng nhất là phần biểu diễn cuối phim thực sự ấn tượng và gây xúc động mãnh liệt. Màn solo Violon của Anne-Marie với dàn nhạc trong khoảng 15 phút cuối của bộ phim khiến cho tất cả như bay lên trong tiếng nhạc du dương và sự hào hùng. Những khoảnh khắc cuối cùng của bộ phim thực sự như một màn trình diễn chói sáng bản Concerto cho vĩ cầm cung Rê trưởng của Tchaikovsky.

Nữ diễn viên Mélanie Laurent đã thể hiện xuất sắc màn biểu diễn với nhiều cung bậc cảm xúc: sự mạnh mẽ, tự tin, sự phẫn nộ, vẻ yếu đuối với những giọt nước mắt hạnh phúc, xúc động tột cùng vì Anne-Marie dần nhận ra câu chuyện về cuộc đời của mình. Lúc này cô đã biết cha mẹ thực sự của mình là ai. Và vị nhạc trưởng đang biểu diễn cùng cô chính là người đã cùng biểu diễn với mẹ cô trong buổi hòa nhạc 30 năm trước.

Tiếng violon – mối gắn kết và nối tiếp giấc mơ của tình mẫu tử

Tiếng Violon của người con gái Anne-Marie như làm sống dậy hình ảnh người mẹ Léa từng bị giam cầm và tước bỏ cuộc sống với âm nhạc. Đó như tiếng lòng được thoát xác bày tỏ niềm da diết, đau đớn và cả sự bùng nổ, vinh quang. Anne-Marie đã tiếp nối và hiện thực hóa giấc mơ của người mẹ – một nghệ sĩ Vilolon Do Thái tài năng nhưng có số phận nghiệt ngã. Hình ảnh người mẹ biểu diễn trong buổi hòa nhạc 30 năm trước đan lẫn với hình ảnh biểu diễn của người con hiện tại trong tiếng nhạc Violon thật sự xúc động và mang tính biểu tượng cao. Cách kể chuyện giàu tinh tế của đạo diễn đã mang trọn cảm xúc vào những phút cuối cùng của bộ phim.

Le Concert và những chi tiết hài hước

Bên cạnh cốt truyện cảm động, bộ phim cũng có nhiều chi tiết hài hước về cách làm việc thiếu chuyên nghiệp của dàn nhạc đội lốt “Bolshoi” khi tới Paris. Họ không hề chịu tập dượt trước cho buổi biểu diễn mà chỉ tranh thủ đi kiếm tiền bằng mọi cách. Những nghệ sĩ Do Thái với tố chất kinh doanh có thể trỗi dậy niềm đam mê bán hàng ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào. Những “nhạc sĩ khốn khổ” tận dụng đi kiếm tiền từng giờ từng phút tại Paris hào nhoáng: đi bán hàng fake, đi bốc vác, lái taxi…Những vấn đề nảy sinh khiến nhạc trưởng Filipov lo sốt vó vì không thể quản lý, kiểm soát dàn nhạc của mình trước giờ biểu diễn.

Là bộ phim đề cập về đa quốc gia, đa văn hóa nên tính cách đặc trưng dân tộc của các nhân vật trong phim cũng được khắc họa rõ nét. Vị giám đốc nhà hát ở Paris vốn quen với tác phong làm việc chuyên nghiệp rất phẫn nộ bởi cách làm việc nhốn nháo và luôn không đúng giờ của dàn nhạc từ Nga tới. Ông ta mỉa mai những nhạc sĩ Nga là những người Xla-vơ khôn lanh nhiều mánh khóe chỉ trực đi buôn bán, kiếm chác.

Sự lộn xộn trong cách phối hợp của dàn nhạc từ Nga tới Paris tạo ra nhiều tiếng cười nhưng cũng mang đến sự bất ngờ cho màn biểu diễn sau đó. Họ là những người nghệ sĩ chất phác, thực tế. Khi ở đời thường trông họ lam lũ, vật lộn với cuộc sống. Và khi ở trên sân khấu họ lại hóa thân trở thành những nghệ sĩ thực thụ.

Tải phụ đề Việt cho bộ phim Le Concert

Bạn có thể tải phụ đề Việt của mình trên Subscene hoặc theo link dưới đây. Bản dịch khớp với các bản Bluray, thời lượng 02:02:44.

Vui lòng không reup phụ đề với mục đích thương mại dưới bất kì hình thức nào!

Nếu bạn yêu thích bài viết và hài lòng với chất lượng bản dịch phụ đề Việt của mình, hãy ủng hộ cho blog bằng cách mời mình một ly cà phê nhé! Chân thành cảm ơn bạn!
Enjoy your life!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *