Thói quen đọc sách với thái độ tích cực

Thói quen đọc sách nhiều hay ít không quyết định bạn là ai so với người khác. Mỗi người khi tìm đến với một cuốn sách nào đó đều sẽ có những mục đích riêng. Có thể đọc là giải trí, đọc để học tập, đọc để phát triển bản thân, đọc để trị liệu,… Vì vậy, mình không có thiên kiến với việc đọc nhiều hay đọc ít mới là tốt.

Mình cũng không nặng nề trong việc đánh giá sự thành công hay trí tuệ của ai đó thông qua số lượng đầu sách họ đọc. Bởi suy cho cùng thành công đâu phải chỉ phụ thuộc vào việc đọc sách. Và mỗi người tìm đến sách đâu phải mục đích chỉ để thành công. Đọc sách không nhất thiết lúc nào cũng phải để học điều gì. Có khi chỉ là những giây phút ta muốn giải trí, thư giãn thông qua ngôn từ.

Bài viết này chủ yếu là góc nhìn của một người đơn thuần thích đọc sách. Mình sẽ chia sẻ một vài thói quen của mình khiến bản thân thấy thú vị khi đọc. Qua đó, việc đọc sách với mình như một niềm vui chứ không phải là đọc như một nhiệm vụ, hay để so sánh với người khác.

Lập danh sách các cuốn sách đã đọc mỗi năm

Những năm gần đây mình thường lên danh sách các cuốn sách đã đọc theo từng năm. Đây cũng là cách mình hệ thống lại các đầu sách trong “thư viện mini” của bản thân.

Mỗi khi nhìn vào danh sách này sẽ biết mình đã đọc gì và cần đọc thêm những loại sách nào khác; cảm nhận gu đọc của mình năm đó ra sao, có thay đổi gì so với các năm khác hay không?;…

List các cuốn sách mình đọc sẽ được note lại theo từng năm

Đánh dấu phân cấp chất lượng nội dung các cuốn sách đã đọc

Với mỗi cuốn sách đã đọc, mình sẽ đánh dấu sao đánh giá theo mức độ thích nội dung đó tới đâu. Điều này khiến mình sẽ dễ nhớ hơn các cuốn có nội dung hay. Đồng thời thấy được tổng thể các cuốn sách nào chất lượng.

Một cái hay của việc lưu lại đánh giá độ hay dở của các cuốn sách là dễ dàng đưa ra đề xuất khi cần gợi ý cho ai đó về đầu sách hay nên đọc mà không phải căng não để nhớ.

Kích thích, tạo động lực đọc nhiều sách một cách tự nhiên

Mỗi khi đọc xong một cuốn sách và bổ sung vào bộ danh sách những cuốn đã đọc cũng tự tạo cho mình một động lực muốn đọc thêm nhiều cuốn nữa. Mình thấy rõ sự thay đổi về số lượng đầu sách các năm sau đều tăng dần lên.

Tất nhiên mình có đặt mục tiêu dự kiến số đầu sách sẽ đọc cho một năm nhưng không hề áp đặt bản thân phải đọc nhiều hơn năm trước. Thông thường số lượng dự kiến sẽ trong khả năng mình có thể hoàn thành. Đưa vào danh sách chỉ để có số lượng và chứng tỏ với người khác thì cũng không nói lên điều gì cả.

Thói quen đọc sách với nhiều cuốn cùng lúc có phi khoa học?

Thông thường mọi người sẽ đọc xong hết một cuốn sách này rồi mới đọc sang cuốn khác. Nhưng mình từng có thói quen đọc cùng lúc hai tới ba cuốn sách khác nhau. Kiểu như mình sẽ vừa đọc một cuốn sách văn học, một cuốn về kỹ năng và một cuốn nào đó về tâm linh.

Tùy vào tâm trạng trong ngày hay bối cảnh phù hợp thì mình sẽ phân bổ thời gian đọc loại sách nào trước hay đọc cuốn nào sau.

Có lúc buổi sáng sớm mình sẽ đọc một vài trang sách về kỹ năng hay tâm linh. Cuối giờ chiều hay cuối ngày trước giờ đi ngủ mình sẽ đọc sang tác phẩm văn học chẳng hạn. Mình không hề thấy ngại việc cầm theo sách tới công ty hay cầm sách từ công ty về nhà.

Tạo thói quen đọc sách mọi nơi mọi lúc, ngay cả tại không gian công ty với thời điểm phù hợp

Khi thấy mình đọc sách kiểu như vậy mọi người cũng bày tỏ sự ngạc nhiên. Thực ra, đó không phải để thể hiện cho người khác thấy mình chăm đọc sách hay để đọc được nhanh và nhiều. Đơn giản là mình thấy việc đọc như vậy trở nên rất thú vị.

Đọc nhiều cuốn cùng lúc có khiến khó nhớ nội dung?

Nhiều người nghĩ rằng đọc nhiều cuốn một lúc sẽ không hiệu quả và dễ gây nhầm lẫn nội dung giữa các cuốn sách. Nhưng thực tế, mình thấy rằng đọc xen kẽ các cuốn sách khác thể loại cùng lúc không hề gây ảnh hưởng tới khả năng tiếp nhận thông tin như mọi người nghĩ. Bởi vốn dĩ nội dung các thể loại sách khác nhau một cách rõ ràng. Bộ não con người cũng rất siêu việt trong việc phân chia, lưu trữ các thứ cần tiếp nhận.

Đọc nhiều cuốn cùng lúc giúp tăng năng suất khi đọc mà vẫn đảm bảo hiệu quả

Cá nhân mình thấy rằng cách đọc này cũng khiến năng suất hơn bình thường. Khoảng 2 – 3 tuần mình có thể đọc xong 2 – 3 cuốn sách với các chủ đề đa dạng khác nhau. Trong khi, với kiểu đọc thông thường, đặc biệt có lúc đọc phải cuốn nào không hay lắm thường làm giảm mất sự hứng thú đọc. Như vậy sẽ khiến chúng ta trì hoãn việc đọc và mãi không hoàn thành cuốn đó để đọc tiếp sang cuốn khác.

Với cách đọc xen kẽ, khi không thích cuốn này thì ta vẫn có thể tập trung đọc cuốn khác và sẽ có sự kích thích để đọc các cuốn còn lại.

Dành sự thảnh thơi và tập trung khi đọc

Trong công việc chúng ta đã đủ mỏi mệt với KPI và deadline rồi. Do đó, không nên áp những tiêu chí này đối với việc đọc sách. Đọc sách nên cần sự thảnh thơi và sự tập trung. Không khẳng định được đọc bao nhiêu cuốn sách một năm là tốt mà hãy cứ thoải mái đọc khi bạn muốn và khi có thời gian.

Thường khi nào có thời gian rảnh hay khi có một chút tâm trạng, hoặc một thời điểm nào đấy bản thân đang trăn trở với những dự định mới mình lại thích tìm đến sách. Đối với mình, mỗi khi tâm trạng là đọc sẽ năng suất hơn bình thường.

Hình thành thói quen đọc sách với tâm trạng thật thoải mái và thư thả

Mình tạo thói quen khung giờ đọc sách thường sẽ vào cuối ngày, trước giờ đi ngủ sẽ đọc một vài chương sách. Trên đầu giường lúc nào cũng có vài cuốn sách. Bên cạnh đó, vào các ngày nghỉ hay ngày cuối tuần mình sẽ bố trí quãng thời gian thảnh thơi để đọc. Thỉnh thoảng mình cũng nghe một chút nhạc không lời nhẹ nhàng khi đọc sách để tâm trí thoải mái và tăng thêm sự tập trung.

Tận dụng các khoảng thời gian trống để đọc sách hiệu quả

Có một thời điểm mình tạo động lực đến công ty sớm trước giờ làm khoảng 30 phút và sẽ dành quãng thời gian đó để tưới cây cối tại bàn làm việc và đọc sách. Trên bàn làm việc của mình lúc đó thường xuyên để vài cuốn sách khác nhau.

Ngày nào không thể đọc trong buổi sáng thì cuối giờ làm mình sẽ ngồi đọc sách khoảng 30 phút rồi mới về nhà. Tận dụng khoảng thời gian ngắn cuối buổi chiều để đọc sách cũng khá hiệu quả. Vì lúc này mình có thể tranh thủ đợi giảm mật độ tắc đường giờ cao điểm khi tan tầm.

Giai đoạn duy trì thói quen này làm giảm tình trạng hay đi làm muộn và sát giờ. Mình không còn cảm giác lúc nào cũng bị vội vàng vào buổi sáng. Đồng thời, mình tránh được cảnh căng thẳng vì tắc đường, không bị check-in muộn, và vẫn duy trì thói quen đọc sách đều đặn mỗi ngày.

Chọn hình thức đọc phù hợp với bản thân

Cho dù hiện nay khá nhiều hình thức đọc khác ra đời như sách điện tử (ebooks), sách nói (audio books),…nhưng cá nhân mình vẫn chỉ thích đọc sách giấy. Mình nhận thấy cảm xúc đọc sách giấy vẫn có điều gì đó rất riêng và gợi sự hứng thú hơn khi đọc. Thậm chí, mình còn tạo ra bookmark thủ công hình thù ngộ nghĩnh. Điều này cũng tạo nên sự sinh động và thú vị cho các cuốn sách.

Một số bạn bè, đồng nghiệp của mình chuộng loại hình nghe sách nói vì cảm thấy tiện, giảm nhức mỏi mắt. Ngoài ra, mọi người cho rằng một số cuốn sách nói có chất giọng đọc diễn cảm khiến kích thích họ nghe hơn. Khi nghe sách nói, mọi người có thể kết hợp các việc khác như ngồi thiền hay tập yoga nhẹ nhàng chẳng hạn.

Với Ebooks cũng có các lợi thế khác như tìm kiếm và khả năng lưu trữ thuận tiện. Chưa kể chi phí cũng tiết kiệm hơn so với sách giấy. Nói chung, tùy vào trải nghiệm đọc nào khiến bản thân thấy cảm hứng hơn thì chúng ta ưu tiên với hình thức đó.

Ghi lại những thông điệp, trích dẫn hay vào cuốn sổ

Mình cảm thấy khá ấn tượng với những ai có trí nhớ giỏi trong việc họ có thể trích dẫn các câu nói hay của các tác giả nào đó hay các thông điệp từ các cuốn sách. Rất ít khi mình có thể nhớ được chính xác các trích dẫn. Việc ghi chép các nội dung hay vào cuốn sổ và thỉnh thoảng xem lại giúp mình có thể nhớ khái quát lại nội dung đã đọc và các thông tin đặc sắc.

Ngoài ra nó cũng có thể trở thành nguồn tư liệu hữu ích để sử dụng trong một số trường hợp: đưa trích dẫn tạo cảm hứng hay dẫn chứng tăng tính thuyết phục trong khi thuyết trình; trích dẫn tham khảo khi viết sách hay viết bài có nội dung liên quan;…

Nên đọc loại sách nào mới có ích?

Gu đọc cũng giống như khẩu vị chọn món ăn. Mỗi cuốn sách như một loại “gia vị” cho trí tuệ và tri thức. Và một cuốn sách hay hoặc hữu ích cũng đến từ những thông tin giá trị, kỹ thuật diễn đạt ngôn từ cuốn hút và góc nhìn sắc sảo, sâu sắc của tác giả.

Mình từng thấy khá nhiều người kì thị những ai hay đọc sách self-help hoặc thấy ai đó lớn tuổi mà thích đọc truyện tranh, truyện ngôn tình,…Việc tranh cãi, đánh giá việc đọc của người khác mình thấy chẳng có nghĩa lý gì lắm. Mỗi loại sách sẽ có ích đối với từng giai đoạn, thời điểm khác nhau tùy với từng người đọc. Khi đọc rồi chúng ta mới biết loại sách nào cần cho bản thân. Sách nào hữu ích, cuốn nào còn dở.

Đọc đa dạng thể loại sách cũng có nhiều lợi ích nhất định

Hãy cứ chọn loại sách mà bạn thích, đừng nên quan tâm về sự đánh giá về gu đọc của mình

Những cuốn sách dày, nhiều chữ sẽ kích thích tư duy và có ích cho việc rèn tính kiên nhẫn, kiên trì. Sách nhiều hình ảnh giúp khơi gợi tính sáng tạo và cảm xúc. Có thể người khác sẽ chê bai hay đánh giá loại sách bạn đọc. Nhưng hãy xác định rằng, kiến thức bạn đọc để cho mình chứ đâu phải sử dụng làm công cụ để mang đi so đo, cạnh tranh.

Trước đây mình thích đọc các tác phẩm văn học và đọc rất nhiều. Bây giờ bản thân chuyển sang đọc sách kỹ năng hoặc sách tâm linh nhiều hơn. Nhưng không có nghĩa là mình không đọc sách văn học nữa. Bạn cứ thoải mái chọn loại sách mình thích, đọc lúc nào mình muốn cũng như ăn loại món ăn với loại gia vị bạn thích.

Đọc bao nhiêu cuốn sách trong một năm là lý tưởng?

Thực tế, mình không phải là người đọc nhiều sách mỗi năm. Có những thời điểm công việc bận rộn khiến mình quên bẵng đi và không động đến một cuốn sách nào. Thậm chí, có một thời gian dài mình bỏ quên thói quen đọc sách. Quãng thời gian dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng mạnh mẽ nhất vào năm 2020 cũng chính là lúc kéo lại thói quen đọc sách của mình.

Đỉnh điểm có lần mình đặt mua liền một lúc hơn 40 cuốn sách. Một phần muốn tập trung đọc nhiều sách hơn, một phần hồi giãn cách cũng có rất nhiều chương trình giảm giá sách nên mình không thể bỏ lỡ cơ hội này.

Mình nghĩ rằng chẳng thể định lượng đọc bao nhiêu cuốn sách là lý tưởng cho một năm hay là đủ cho một đời người. Bởi nhu cầu của chúng ta cũng có mấy khi dừng lại. Ngay chính bản thân chúng ta đôi khi còn không biết được nhu cầu của chính mình như thế nào mới đủ.

Đối với mình, khi nhìn thấy số lượng đầu sách đọc được qua mỗi năm tăng lên khiến bản thân thấy vui. Không hẳn vui chỉ vì số sách đọc được nhiều. Mà khi nhìn vào đó ta biết rằng cũng đã có lúc mình đã biết dành thời gian cho bản thân. Mình đã biết quản lý thời gian, sử dụng thời gian hiệu quả cho sở thích cá nhân và cân bằng đời sống tinh thần ra sao. 

Đọc sách nên tránh sự giáo điều

Những điều chúng ta đọc chỉ có ý nghĩa với bản thân mình và chưa chắc người khác đã quan tâm. Do đó, với quan điểm của mình tốt nhất là nên hạn chế đưa các quan điểm trong sách để áp đặt với người khác. Điều này, vô tình sẽ tạo cảm giác khó chịu với mọi người và họ cho rằng bạn thích tỏ vẻ chữ nghĩa.

Mình không thích quan trọng hóa vai trò của việc đọc sách bởi có những người họ không đọc sách vẫn hoàn toàn thành công trong sự nghiệp hoặc có đời sống vui vẻ, hạnh phúc. Vấn đề là ở cách chúng ta nghĩ việc đọc sách như thế nào. Bên cạnh tìm hiểu các thông tin mới, tiếp cận các góc nhìn mới mẻ,… đối với mình đọc sách là một hình thức để thưởng thức và thư giãn cho tâm trí chứ không phải đọc để chứng tỏ tri thức hơn người khác.

Đọc nhiều sách mà không nhớ được gì có phải là vô ích?

Rất nhiều ý kiến tranh cãi từ việc đọc nhiều sách để làm gì? Đọc sách chỉ là mọt sách nếu không có sự thực hành hoặc ứng dụng vào thực tế,…Không hẳn chúng ta nhớ được tất cả những điều đã đọc trong đời mới chứng tỏ rằng việc đọc sách mới trở nên ý nghĩa.

Nhiều khi đọc cũng là để quên đi. Đọc sách để giúp ta quên đi một cảm xúc không phù hợp nào đó. Đọc sách để kéo bản thân lại với những điều mới mẻ, tích cực và giúp ta quên đi những kí ức buồn. Giá trị khi ta đọc một cuốn sách cũng không phải đo lường vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Khi bạn trở nên thành công hay thất bại.

Đọc là để cho bản thân riêng mình

Ý nghĩa đơn thuần từ những cuốn sách

Ý nghĩa của việc đọc một cuốn sách có thể là chính những cảm xúc ngay tại giây phút ta đọc. Ngay chính lúc bạn đang giở ra những trang sách và mang lại trạng thái vui thích, gật gù tán dương hay phản đối quan điểm của tác giả. Hoặc khơi gợi trong ta những sự suy tư, trăn trở hay phát triển tư duy.

Đôi khi, cũng sẽ có những điều trong sách có thể vận dụng vào đời sống thực. Nhưng cũng có những thứ sẽ mãi mãi nằm trong tiềm thức. Thỉnh thoảng chúng ta nhớ tới những ý niệm hay ho và gật gù về nó. Hoặc có khi, điều nó đem lại chỉ là một cảm xúc thoáng qua.

Nếu không đề cập tới vấn đề năng khiếu thì lợi ích chắc chắn có được từ việc đọc sách sẽ giúp chúng ta hoạt ngôn hơn. Cách sử dụng ngôn từ trong diễn đạt cũng trở nên phong phú hơn.

Với những ai ít giao tiếp bạn bè mà có sở thích đọc nhiều sách thì chính họ cũng đang có cơ hội kết nối, làm bạn với các tác giả. Chỉ khác là chúng ta giao lưu theo kiểu một chiều, không có lời đáp lại mà thôi.

Đọc sách hay cũng giống như trò chuyện với các bộ óc tuyệt vời nhất của những thế kỉ đã trôi qua”

Rene Descartes

Số sách ta đọc trong đời có nghĩa lý gì?

Thực tình mình cũng đồng ý với quan điểm rằng “số đầu sách bạn đọc” cũng không thể chứng tỏ bạn là ai so với những người khác. Mỗi người tìm đến những cuốn sách với những lý do riêng, mục đích riêng, vào những thời điểm riêng và với những tâm trạng rất riêng. Rất có thể những người chẳng bao giờ đọc sách lại có một lúc nào đấy họ muốn đọc.

Chúng ta chẳng nên tranh cãi về việc lý do ta tìm đến cuốn sách để làm gì. Hãy cứ nghĩ đơn giản rằng chức năng của những cuốn sách là dành sự quan tâm cho những ai muốn mở nó ra.

Đọc sách cũng là cách để bản thân điềm tĩnh hơn. Trải qua thời gian, những ngôn từ và những thông điệp, tư tưởng cũng sẽ ngấm dần trong tư duy của chúng ta. Nó sẽ cùng bản thân ta tự vấn, tự suy nghĩ và rút ra những trải nghiệm riêng.

Hãy coi đọc sách đơn thuần là một niềm vui và trải nghiệm tích cực

Trong cuộc sống, chúng ta vốn hay có thói quen đặt ra những đòi hỏi phải đạt được gì từ những hành động nào đó. Đọc sách đừng nên đặt nặng vấn đề nó sẽ mang lại cho mình điều gì.

Dù sao thì những cuốn sách khi đọc xong nó vẫn nằm trên giá. Những dòng chữ vẫn lưu trên những trang giấy. Khả năng ghi nhớ của chúng ta cũng chỉ có hạn. Khi bị cuốn đi bởi thời gian và mọi thứ xung quanh, khi trở nên cô đơn bạn vẫn có thể tìm tới nó. Có những cuốn ta thích đọc đi đọc lại, có những cuốn chỉ đọc một lần.

Hãy cứ coi việc đọc sách như một trải nghiệm cần thiết trong cuộc sống của mình!

Nếu bạn yêu thích nội dung này và tìm thấy những điều giá trị, tạo ra tác động tích cực cho bạn, hãy ủng hộ cho blog bằng cách mời mình một ly cà phê nhé! Chân thành cảm ơn bạn!
Enjoy your life!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *