3 yếu tố đòn bẩy giúp cân bằng cuộc sống

Thật bất ngờ rằng, trong ba yếu tố quan trọng nhất tác động tới cân bằng cuộc sống lại không hề đề cập tới vấn đề tài chính – thứ được coi là điều không thể thiếu trong đời sống.

Vậy ba yếu tố đòn bẩy đó là gì? Liệu có khó để có thể sở hữu chúng hay không? Chúng ta cùng lần lượt tìm hiểu và xem bản thân mình đã có nó hay chưa nhé?

Quyền tự quyết trong cuộc sống – chìa khóa quan trọng của cuộc sống ý nghĩa

Trong cuốn sách “Life is in the transitions” (tựa tiếng Việt: Làm chủ sự thay đổi) – tác giả Bruce Feiler cho rằng “Quyền tự quyết” là thành phần rất quan trọng của đời sống tinh thần.

Nhà tâm lý học Bessel Van Der Kolk định nghĩa: “Quyền tự quyết là cảm giác được làm chủ cuộc sống của bạn: biết mình đang đứng ở đâu, biết mình có tiếng nói, biết mình có khả năng thay đổi hoàn cảnh.” Những người có quyền tự quyết đã được chứng minh rằng họ hạnh phúc và khỏe mạnh hơn. Cũng như có chất lượng cuộc sống cao hơn.

Người có “Quyền tự quyết” (Agency) luôn tự chủ và có sự tự do nhất định trong các khía cạnh cuộc sống của mình. Khi được trao quyền tự kiểm soát, tự quyết định sẽ khiến mỗi người trong chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn và sống thọ hơn.

Quyền tự quyết đem lại sức mạnh vô hình cho đời sống tinh thần của mỗi người. Làm chủ lựa chọn và sống với lựa chọn luôn là điều hạnh phúc nhất.

Biểu hiện của người có quyền tự quyết là gì?

Những người có quyền tự quyết có thể tự tin bày tỏ quan điểm và đưa ra các quyết định một cách độc lập. Họ không quá phụ thuộc vào suy nghĩ hay phán xét, áp đặt của người khác khi cần đưa ra một lựa chọn nào đó. Có thể nói, họ tự do về mặt suy nghĩ và lựa chọn.

Biểu hiện rõ nhất của người có quyền tự quyết là thường rất chủ động trong cuộc sống. Họ thường hiện thực hóa ngay những điều mình muốn hoặc cảm thấy thích.

Ví dụ như: sắp xếp, trang hoàng không gian làm việc, không gian sống của mình mỗi ngày để tạo cảm hứng tích cực cho mình (Các chuyên gia tâm lý chỉ ra rằng, tự trang trí góc làm việc của mình sẽ khiến mọi người cải thiện tâm trạng và làm việc năng suất hơn); Theo đuổi một sở thích nào đó mà không hề do dự; Tham gia ngay một khóa học hay bộ môn gì mà bản thân quan tâm;…

  • trang trí cây xanh trong phòng làm việc

Nói chung, người có quyền tự quyết sẽ tìm cách để làm được điều mình muốn.

Khi cảm thấy bản thân có quyền tự chủ và kiểm soát trong công việc, chúng ta sẽ làm việc nhiệt tình và nâng cao khả năng tập trung.

Mình rất coi trọng yếu tố quyền tự quyết và cố gắng phát huy điều đó mỗi ngày trong cuộc sống cá nhân và trong công việc

Liệu bạn đã có quyền tự quyết ?

Nếu bạn cảm thấy mình có nhiều quyền tự quyết thì điều đó thật tuyệt vời. Bạn có một cuộc sống lý tưởng vì đã nắm trong tay khả năng cân bằng cuộc sống của mình.  Và chắc chắn rằng bạn sẽ có nhiều cảm giác hạnh phúc.

Nhưng nếu như trong thực tế, quyền tự quyết của bạn chưa phát huy được nhiều thì cũng đừng quá lo lắng. Có một thông tin khá thú vị từ các chuyên gia chia sẻ rằng: cho dù bạn có tự huyễn hoặc bản thân rằng mình đã có quyền tự quyết hay không thì nó vẫn có thể giúp ích cho bạn ở một mức độ nào đó.

Hãy cố gắng điều chỉnh tăng dần sự tự quyết của mình từng chút một. Tận dụng tối đa khả năng tự quyết của bản thân khi có thể. Bạn cần đẩy lùi sự tự ti, mạnh dạn đưa ra quan điểm và chủ động lựa chọn. Đừng chỉ ngồi đợi người khác quyết định hộ hay lựa chọn thay những điều bạn muốn làm.

Tự quyết trong công việc và cuộc sống đem lại nhiều lợi ích thiết thực, công việc đạt kết quả tốt hơn

Nhưng chúng ta cũng nên phân biệt rạch ròi rằng tự quyết không có nghĩa là tự do quá đà làm những điều bản thân muốn mà không coi trọng những ý kiến của người khác. Không nên tự coi mình có quyền đòi hỏi, ép buộc người khác làm những điều vô lý cho bạn. Bạn có thể có quyền tự quyết của mình nhưng cũng cần tôn trọng quyền tự quyết của những người xunh quanh.

Cảm giác thuộc về (Belonging)yếu tố quan trọng cân bằng cuộc sống

Có khi nào bạn tự hỏi, sẽ ra sao khi chẳng biết mình đang thuộc về nơi nào?

Theo nghiên cứu về điều gì mang lại ý nghĩa cho cuộc đời, có 89% đối tượng cho rằng đó là mối quan hệ cá nhân. Nghiên cứu 80 năm của Đại học Stanford trên 1500 sinh viên cho thấy người có những mối quan hệ xã hội sâu sắc hơn sẽ sống thọ hơn. Có nghĩa là mỗi người có những mối quan hệ tốt với người khác sẽ khiến cuộc đời họ trở nên ý nghĩa hơn.

Bản chất con người luôn muốn chia sẻ tình cảm, sự kết nối với người khác.

Con người có nhu cầu bản năng là mong muốn được xây dựng các mối quan hệ gắn kết cộng đồng, có bạn bè, gia đình ở bên và những người bao bọc, ủng hộ. Cảm giác thuộc về một mối quan hệ nào đó khiến chúng ta cảm thấy được yêu thương, không cô đơn hoặc rơi vào trạng thái lạc lõng.

Những người có lối sống khép kín, cô lập với môi trường xung quanh thường dễ rơi vào các trạng thái tâm lý, cảm xúc bất ổn như trầm cảm. Ngoài ra, những kỹ năng xã hội khác như khả năng giao tiếp cũng trở nên hạn chế hơn. Những người ít có cảm giác thuộc về một mối quan hệ xã hội nào đó thường rụt rè và thiếu sự tự tin.

Đừng bao giờ khiến bản thân rơi vào trạng thái lạc lõng và cách ly với các mối quan hệ xã hội

Con người đừng để rơi vào tình trạng: không thể làm tốt một lĩnh vực trong cuộc sống, nhưng lại mất quá nhiều thời gian để làm sai trong một lĩnh vực khác. Cuộc sống là một tổng thể không thể chia cắt được

Mahatma Gandhi

Đối với những ai thích được sống một mình thì sao? Những người độc thân vẫn hoàn toàn có thể phát triển và mở rộng phạm vi các mối quan hệ khác của mình.

Hãy giữ sự kết nối và luôn duy trì mạch cảm giác thuộc về trong nhiều vòng tròn quan hệ bạn coi trọng. Nuôi dưỡng để làm lớn dần cộng đồng của chính mình là cách khiến cuộc sống cân bằng hơn và hạnh phúc hơn.

Mở lòng với thế giới xung quanh khiến bản thân luôn tích cực

Sống với sự chính nghĩa (Cause)yếu tố mang lại cảm giác sống có mục đích

Chính nghĩa là thứ mà bạn tin vào, bạn coi đó là những điều đúng đắn và nên làm để giúp ích cho cộng đồng, xã hội. Điều này mang lại cho bạn cảm giác sống có mục đích. Bản chất mỗi khi giúp được ai đó dù là việc nhỏ nhất đều khiến chúng ta cảm thấy vui vẻ, tự hào về bản thân và hạnh phúc hơn.

Trong một nghiên cứu cũng cho thấy ngay cả những công việc nhỏ nhất như thay ga giường trong bệnh viện cũng giúp người làm công việc đó cảm nhận ý nghĩa sâu sắc của việc mình làm. Bởi công việc thường nhật tuy đơn giản đó cũng góp phần cải thiện cuộc sống của bệnh nhân.

Sống chính nghĩa giúp mỗi người phát huy vai trò của bản thân nhiều hơn.

Các chuyên gia định nghĩa rằng những người sống vì chính nghĩa thường được thôi thúc bởi những lời kêu gọi, sứ mệnh, một phương hướng, một mục đích, cam kết vươn lên trên bản thân để giúp cuộc sống trở nên đáng giá. Họ có niềm tin rằng bản thân có thể tác động đến thế giới xung quanh mình theo những cách thức nào đó.

Biểu hiện của những người sống chính nghĩa

Những người thường hướng đến các công việc có tính chất giúp giảm thiểu nỗi đau, cải thiện thế giới hay tạo ra niềm vui như tích cực tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động cộng đồng, các hoạt động từ thiện, phi lợi nhuận,…Chúng ta có thể thấy rất rõ những người hay tích cực tham gia các hoạt động giúp ích cho xã hội, tâm trạng của họ luôn vui vẻ và suy nghĩ rất tích cực. Họ luôn hăng hái và say mê với các điều mình làm.

Những người sống vì chính nghĩa tận hưởng mức độ hạnh phúc cao hơn và sống lâu hơn.

Có thể chúng ta đã bắt gặp một số những thực tế tiêu cực về việc làm từ thiện của những người nào đó với mục đích để đánh bóng bản thân hay tư lợi cá nhân. Nhưng nếu xét về góc độ làm từ thiện với tâm thế mong muốn giúp ích cho người khác thật sự thì là điều rất đáng được trân trọng.

Mỗi chúng ta hoàn toàn có thể sống với sự chính nghĩa bằng rất nhiều hình thức: chia sẻ những góc nhìn tích cực, có thể đóng góp về mặt tinh thần, vật chất trong khả năng của mình. Hãy cứ sống chính nghĩa khi có thể. Vì điều này khiến bạn không bao giờ phải sống với cảm giác dằn vặt, hối hận vì đã không giúp đỡ người khác trong khi bản thân có thể giúp.

Vậy bạn đã cân bằng cuộc sống với 3 yếu tố đòn bẩy ở mức độ nào?

Có thể thấy rằng, ai trong chúng ta cũng đã sở hữu sẵn trong mình cả 3 yếu tố: Quyền tự quyết, cảm giác thuộc về và sống chính nghĩa. Quan trọng là nó đang ở mức độ nhiều hay ít như thế nào mà thôi.

Cũng không quá khó để có thể thực hiện trọn vẹn cả ba điều trên để có một cuộc sống cân bằng. Trải qua thời gian, chúng ta sẽ dần đạt được và hoàn thiện trong cuộc sống của mình. Chỉ cần ta thực sự để tâm và thực hiện từng chút một.

Nếu bạn yêu thích nội dung này và tìm thấy những điều giá trị, tạo ra tác động tích cực cho bạn, hãy ủng hộ cho blog bằng cách mời mình một ly cà phê nhé! Chân thành cảm ơn bạn!
Enjoy your life!

One thought on “3 yếu tố đòn bẩy giúp cân bằng cuộc sống

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *