Du lịch tâm linh tại núi Thần Đinh linh thiêng

Du lịch tâm linh từng không phải là loại hình du lịch được tôi quan tâm nhiều. Nhưng trong chuyến du lịch đầu tiên, kể từ khi trải qua một thời gian dài không được đi đâu bởi dịch bệnh Covid-19, tôi đã lên mục tiêu sẽ phải tới một địa điểm tâm linh nào đó.

Tôi đặt chân tới Quảng Bình vào một thời điểm thời tiết mát mẻ. Cuối tháng ba, thời tiết tại đây vẫn se lạnh. Tâm trạng của hai vợ chồng tôi lúc ấy vô cùng háo hức vì đây là chuyến du lịch đầu tiên “được bay” sau hơn hai năm toàn thế giới ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Ba từ “đi du lịch” là ước muốn của rất nhiều người sau thời gian dài bị kìm chân tới muôn nơi.

Chúng tôi có sở thích đi du lịch theo hình thức trải nghiệm khám phá. Trong các chuyến đi hầu như tôi sẽ tự lên lịch trình và rất hiếm khi đi theo tour. Mỗi chuyến du lịch thường được dành dài ngày (khoảng 5 – 7 ngày) để kì nghỉ không vội vã.

Người đồng hành cùng tôi khá có kinh nghiệm trong việc định vị đường xá nên chúng tôi thường tự thuê xe máy để tới các nơi dự định. Đi như vậy tuy hơi vất vả, đặc biệt có những nơi xa tới cả trăm cây số. Đổi lại, cảm giác du lịch phượt xe máy luôn rất thú vị vì được thoải mái ngắm vẻ đẹp xung quanh trên đường đi. Tất nhiên cũng có một lợi thế nữa là tiết kiệm được khá nhiều chi phí.

Du lịch tâm linh núi Thần Đinh

Quảng Bình là nơi được đánh giá có rất nhiều địa điểm đẹp. Tôi đã dự tính rất nhiều điểm đến trong chuyến đi bảy ngày này. Bật mí một chút, sở dĩ tôi chọn kỳ nghỉ bảy ngày để tạo dấu ấn đáng nhớ nhân dịp kỉ niệm bảy năm ngày cưới của hai vợ chồng.

Và Núi Thần Đinh chính là một địa điểm du lịch tâm linh tôi và chồng rất muốn đến trong kì nghỉ lần này. Nhất định phải tới được đây một lần dù được biết trước là đường đi tới đỉnh núi khá tốn sức. Một phần, chúng tôi rất yêu núi rừng. Một phần tôi cũng bị hấp dẫn bởi đây là ngọn núi hùng vĩ với nhiều dấu ấn lịch sử và được giới thiệu là địa điểm rất linh thiêng. Thông tin về ngọn núi này đã có rất nhiều bài viết, nên tôi sẽ không đề cập sâu về nó mà chỉ chia sẻ về trải nghiệm đặc biệt của mình khi tới đó.

Các bậc đá lên núi Thần Đinh – địa điểm du lịch tâm linh tại Quảng Bình

Để đi đến đây cũng khá vất vả bởi lên được đến đỉnh núi sẽ phải vượt qua hơn 1300 bậc đá dốc (đây mới chỉ là 2/3 quãng đường). Tiếp đó là phải leo trèo đường mòn để lên tới đỉnh. Không ngờ rằng trong mấy ngày dự định tới núi thì thời tiết âm u liên tục. Hầu như hôm nào cũng dự báo có mưa. Tôi cảm thấy hơi thất vọng vì sẽ rất tiếc nuối nếu không thể đi được. Sát tới ngày trở về rồi mà kế hoạch tới núi cứ bị lùi dần.

Trong lòng tự nhủ: “Địa điểm tâm linh mình đã suy nghĩ nhiều về nó rồi mà. Nếu đã thực sự rất muốn đến thì nhất định phải đến.” Tôi cũng là một người hơi duy tâm nữa. Thế là, tuy ngày hôm sau dự báo trời có mưa nhưng trong lòng tôi vẫn nhen nhóm niềm tin rằng ngày mai hoàn toàn có thể tới được. Chúng tôi quyết định vẫn sẽ đến gặp núi.

Có một nhân duyên trên chuyến đi hôm ấy, hai vợ chồng tôi gặp một chị đi du lịch một mình từ Sài Gòn ra Quảng Bình. Thực ra, chị ấy cũng đang bị nhóm “bỏ bom” vì kế hoạch đi treking Hang Én vào thời điểm dự báo có mưa to dài ngày nên mọi người hủy chuyến vì lo ngại. Nhưng chị vẫn muốn dành quỹ thời gian nghỉ phép để tận hưởng nốt chuyến đi. Biết chúng tôi đang tới núi Thần Đinh chị ấy bày tỏ muốn đi cùng. Và thế là cả ba nhập hội và tới núi bằng xe máy.

Cũng khá may vì trong suốt quãng đường đi tới núi trời không hề mưa. Dù cả bầu trời xám xịt với những đám mây nặng nề. Từ homestay trong trung tâm thành phố Đồng Hới cho tới địa điểm ấy khoảng 35km.

Trên núi Thần Đinh hôm đó chỉ có đúng ba người chúng tôi. Có lẽ vì thời tiết âm u mưa gió nên chẳng có ai tới vào những dịp như thế cả. Hơn nữa, lúc này cũng chưa phải thời điểm mùa du lịch nên sẽ rất ít người tới đây. Bản thân tôi cũng rất thích đi vào những dịp như vậy để bớt đông đúc và ồn ào.

Hành trình leo núi

Đứng dưới chân núi chuẩn bị những bước chân lên các bậc đá đầu tiên, ngước nhìn lên cao phóng tầm mắt ra xa, đỉnh núi bao quanh bởi những lớp mây mù. Cảm giác những hạt mưa có thể ào ạt xuống bất cứ lúc nào. Thế nhưng chúng tôi tự nhủ cứ thong dong cùng nhau leo lên các bậc đá, nếu trời mưa thì trú vào bụi cây hoặc hang đá. Thực sự trong tâm tôi vẫn có một niềm tin là trời nhất định sẽ không mưa “Mọi thứ đã tạo điều kiện thuận lợi cho mình tới được đây rồi mà”.

Ngày hôm ấy trang phục của chúng tôi không phù hợp lắm cho việc leo núi. Dù đã mang theo bộ trang phục dự phòng nhưng tới nơi không tiện thay đồ nên đành leo núi trong trạng thái “thướt tha”. Bởi vậy cũng hơi bất tiện.

Từng bậc từng bậc một, chúng tôi cứ vừa bước được một chặng lại tìm kiếm các con số đánh dấu. Leo mãi leo mãi mà nhìn các bậc đá mới chỉ dừng lại ở con số vài chục vài trăm. Cảm thấy khá sốt ruột. Nhìn lên phía trước còn heo hút, cao chót vót với hơn nghìn bậc đá cơ mà. Leo núi không phải là hoạt động hứng thú dành cho những ai thiếu kiên nhẫn. Không ngờ rằng đi lên đây cũng mệt hơn tôi tưởng. Cuối cùng chúng tôi cứ đi thong thả để không tốn sức vì đang lên núi trong trạng thái đói bụng chưa kịp ăn gì.

Bù lại cho cảm giác mệt phờ khi leo núi, trong mỗi lúc dừng chân nghỉ, chúng tôi lại ngắm cảnh thiên nhiên xung quanh từ trên cao. Cảnh quan vô cùng kì vĩ và đẹp đẽ. Lớp lớp các ngọn núi đan xen và dòng sông Long Đại uốn quanh xa xa thật yên bình. Dọc các lối đi có gắn đài phát cầu kinh khiến tâm trạng thêm lắng lại. Các bậc đá ướt lạnh với nhiều lá rụng. Chắc bởi những cơn mưa với những đám mây ghé qua trước đó và không khí ẩm. Càng lên cao không khí càng ẩm ướt.

du lịch tâm linh trên núi Thần Đinh
Vẻ đẹp dòng sông Long Đại hướng nhìn từ trên núi Thần Đinh. Thật tiếc rằng cảnh đẹp thiên nhiên bị phá hỏng bởi vạt núi đang bị khai thác.

Vãn cảnh chùa Non & các ngôi mộ cổ trên núi

Những con số đánh dấu 500 bậc, rồi 700 bậc, rồi hơn 1000 bậc. Tâm trạng háo hức dần lên khi chúng tôi thấy các ngôi mộ cổ ven đường và di tích ngôi chùa Non. Theo ghi chép, chùa có tên là Kim Phong Cổ Tự, được xây dựng dưới thời vua Lê Thánh Tông năm 1470. Hiện nay, ngôi chùa ba gian đã bị hư hỏng chỉ còn lại ngôi miếu nhỏ cùng một số di tích như các bệ thờ và tường đã bám rêu xanh nằm dưới tán cây cổ thụ. Từ chân núi đến vị trí chùa Non khoảng 1265 bậc đá.

Phút dừng chân trên núi Thần Đinh

Chúng tôi vào vãn cảnh chùa, sắp xếp lại những lọ hoa bị đổ và cầu nguyện những điều tốt lành. Đứng tại đây là một nơi cực kỳ hút gió, khi ấy gió thổi lộng từng cơn khiến cây cối xào xạc. Nếu ai hơi nhát có thể sẽ hơi sợ nếu tới đây vào lúc vắng vẻ như lúc này. Nhưng sợ chỉ là cảm giác mà thôi. Với tôi lúc ấy cảm thấy bình an tận trong cõi lòng.

Những ngôi mộ cổ nhìn có chút gì đấy rất cô đơn. Tôi cũng tò mò tự hỏi không biết đó là những ngôi mộ của ai. Chắc họ phải là những con người rất đặc biệt. (Khi ghé thăm chùa và ngôi mộ cổ mình tập trung thả mình vãn cảnh nên không chụp lại hình ảnh. Biết đâu khi có dịp tới đây và tự mình trải nghiệm, các bạn sẽ thấy bất ngờ hơn đấy.)

Khám phá động thạch nhũ và những chú dơi cô đơn

Đi tiếp một đoạn nữa chúng tôi bắt gặp hang động thạnh nhũ. Tiến vào bên trong hang khá tối và có những chú dơi bất giác bay lên. Những chú dơi đập cánh bay theo vệt sáng heo hút lên tít trên cao miệng hang tạo nên một cảm giác như chúng ta đang bước vào một nơi khá kì bí. Hang động này cũng không rộng lắm, chúng tôi không dừng chân tại đây lâu bởi cũng đang rất tò mò và háo hức khám phá trên đỉnh núi phía trước.

  • Lối vào động thạch nhũ trên núi Thần Đinh
  • động thạch nhũ núi Thần Đinh
  • động thạch nhũ núi Thần Đinh
  • động thạch nhũ núi Thần Đinh

Sắp tới nơi rồi” – trong đầu tôi cứ văng vẳng câu ấy khi sắp đi tới những bậc đá cuối cùng. Mặt mày mọi người ai nấy rạng rỡ dù lúc đấy bụng ai cũng lép kẹp sôi lên vì đói. Ai đời rủ nhau leo núi lúc 12 rưỡi trưa và chưa ăn gì. Cô hàng nước dưới chân núi đã dự tính trước cho chúng tôi rằng nếu đi nhanh chỉ khoảng 30 phút sẽ tới nơi. Nếu đi chậm thì khoảng 1 tiếng. Nhưng ngày hôm ấy chúng tôi mất khoảng gần 2 tiếng đồng hồ mới lên tới nơi. Có vẻ như thể lực chúng tôi chưa đủ tốt để dành cho bộ môn leo núi chuyên nghiệp.

Cảm giác mừng rỡ và sung sướng khi đặt chân đến dấu mốc hơn 1300 bậc. Tại vị trí ấy có giếng Tiên như lời mọi người đã giới thiệu. Đó là một hốc đá nhỏ chứa đầy làn nước trong vắt và lác đác những chiếc lá vàng rụng. Chúng tôi háo hức múc những gáo nước từ giếng Tiên dội lên bàn tay thấy mát lạnh. Tinh thần phấn chấn hẳn lên.

giếng Tiên trên núi Thần Đinh
Giếng Tiên trên núi Thần Đinh

Có một điều bất ngờ rằng, các lối đi xung quanh không thấy bậc đá nào nữa và không hề có chỉ dẫn nào tiếp theo cả. “Đây đã là đỉnh núi chưa vậy?” Chúng tôi phân vân tự hỏi nhau. Tôi từng thấy một vài bức ảnh những người đã chinh phục thành công, họ đứng trên đỉnh núi bên phiên đá sừng sững cơ mà. “Chắc chắn phải có lối nào đó chứ! Phải đi theo lối nào mới lên được tận trên đỉnh núi đá kia?”.

Trải nghiệm tâm linh

Chồng tôi bắt đầu dò đường và dẫn chúng tôi đi theo một lối mòn. Nhưng dù đi theo các nhánh khác nhau sau đó lại quay về một vị trí cũ. Tuy nhìn thấy đỉnh ở ngay phía trên rồi mà không thấy đường nào để đi. Càng đi lên cao cảm giác thấy càng hoang mang vì chỉ thấy toàn đá cheo leo. Cuối cùng, chồng tôi quyết định đi tìm đường trước và để chúng tôi ngồi đợi.

Có một trải nghiệm chắc không bao giờ quên đối với chúng tôi ngày hôm đó là ba người chúng tôi bị lạc nhau – cảm giác như bị mất kết nối theo một sự sắp đặt nào đó.

Sau khi chồng tôi đi tìm đường và khuất sau những tảng đá to, mọi thứ xunh quanh trở nên rất yên tĩnh. Mười lăm phút rồi hai mươi phút không thấy anh quay lại. Tôi và chị đồng hành cùng đứng chờ khá lâu và bắt đầu thấy lo lắng. Tôi gọi anh rất to, gọi nhiều lần nhưng không thấy lời đáp. Xunh quanh vắng lặng như tờ. Trời âm u khiến không khí bao trùm trở nên thêm tịch mịch. Cảm giác bồn chồn bắt đầu dâng lên.

Sự cố lạc trên núi

Thật trớ trêu nữa là tất cả điện thoại anh đều đang mang theo cùng những túi đồ. Vì thấy chúng tôi mệt lúc leo núi, anh đeo hết các thứ lên người. Và bây giờ hai chúng tôi không nghĩ ra cách nào để có thể liên lạc với anh. Đây là một kinh nghiệm nhớ đời là luôn không được chủ quan trong bất cứ tình huống nào. Trong khi đi du lịch nhóm không bao giờ để hết đồ và phương tiện liên lạc cho một người giữ. Đặc biệt, luôn luôn phải lường trước được mọi việc và có sự chuẩn bị kĩ lưỡng. Hôm đấy khi đi chúng tôi nghĩ đơn giản sẽ chẳng có những chuyện kiểu này xảy ra.

Bạn có thể hiểu tâm trạng khi trên cả quả núi lúc này chỉ có ba người và đang ở độ cao tít trên đỉnh. Một quả núi độc lập cách khu nhà dân và bên dưới không có cửa hàng nào đang hoạt động vì đang không phải mùa du lịch. Ngoại trừ một cửa hàng bán nước và cơm bình dân duy nhất dưới chân núi.

Và ngay lúc này đây chỉ có hai cô gái đang hoang mang không biết phải làm sao. “Nếu anh không quay lại thì mình sẽ phải làm sao đây?” “Quay lại xuống núi để tìm người trợ giúp ư?” Mà đi lên tìm thì không biết nên đi đường nào?

Chiếc cây cổ thụ là điểm mốc chúng tôi đứng đợi anh khi quay lại

Khoảnh khắc thiêng liêng

Sau rất nhiều lần gọi không thấy lời đáp lại khiến tôi tưởng tượng ra những tình huống và khả năng xấu xảy ra. Chị đồng hành cố gắng trấn an. Tôi đã thử đi men theo các vách đá với hi vọng sẽ thấy anh quay lại. Cảm thấy bất lực, lo lắng, sợ hãi. Hoang mang chạm tay vào phiến đá lớn, tôi thì thầm như cầu mong một phép màu: “Xin thần linh hãy phù hộ cho chúng con! Mong cho chồng con không có vấn đề gì xảy ra”.

Một lát sau khi tôi tiếp tục gọi to thì từ xa thấy tiếng vọng lại. Cái cảm giác nghe thấy lời đáp lúc ấy thực sự là một khoảnh khắc thiêng liêng. Trong lòng chợt nhẹ bẫng và tôi vô cùng biết ơn! Những tiếng gọi đáp lại của nhau là câu được câu mất vì bị lẩn khuất trong các tán cây. Từ khi căng tai nghe tiếng anh lõm bõm tới khi chúng tôi định hình được vị trí của nhau và tìm thấy nhau cũng phải mất một lúc lâu. Tất cả chúng tôi lúc đấy đều cảm thấy vừa vui vừa sợ và vừa tự trách mình vì sự chủ quan. Chúng tôi quyết định không đi tiếp. Chồng tôi kể rằng đã thử nhiều lối đi nhưng thấy quá nguy hiểm và không phù hợp để hai cô gái chúng tôi thử sức.

Thật là một trải nghiệm nhớ đời vì nếu biết trước sự việc, chúng tôi đã hỏi kỹ mọi người về đường đi ra sao. Bởi nghĩ rằng cứ theo bậc đá là sẽ tới nơi. Nhưng cũng vì chủ quan vô tình như vậy thì chúng tôi mới có những điều đặc biệt để nhớ về chuyến đi như thế.

Tôi vẫn đau đáu trong thâm tâm rằng không biết mọi người đã lên tới đỉnh núi trên kia bằng cách nào và theo con đường nào? Với nhiều bài viết đều chỉ đề cập rằng đi hơn 1300 bậc đá là tới đỉnh, đến địa điểm bằng phẳng khu chùa Non và nơi Giếng Tiên đã được coi là lên tới nơi rồi. Nhưng với góc nhìn của một người với nhiều sự tò mò và thích khám phá như tôi thì vẫn còn một điều gì đó đặc biệt và thú vị hơn nữa ở tận trên cùng đỉnh núi.

Một trong những view ngắm đẹp trên núi

Cơn mưa ngẫu nhiên như được sắp đặt

Ngày hôm ấy với hơn 4 tiếng trên núi (đoạn đường leo lên và xuống). Chúng tôi xuống tới chân núi là khoảng hơn 4 giờ chiều. Có một điều ngẫu nhiên nữa xảy ra khiến tôi càng cảm thấy đặc biệt hơn nữa về chuyến đi. Khi chúng tôi vừa kết thúc những bậc đá cuối cùng dưới chân núi thì trời mới bắt đầu ào ào đổ mưa. Hóa ra thần núi đã tạo điều kiện cho chúng tôi thực hiện trọn vẹn kế hoạch theo mong ước rồi đấy chứ!

Tôi nhìn lên đỉnh núi đá sừng sững đang hướng về phía chúng tôi, như đang nhìn xuống với vẻ đầy thích thú. Tôi vẫy tay chào và thì thầm lời cảm ơn “Cảm ơn núi nhé. Cảm ơn đã cho chúng tôi có cơ hội được khám phá và không bị dính mưa. Dù bây giờ trên đường trở về chúng tôi sẽ phải đội mưa.” Có vẻ như ngọn núi rất thích đùa!

Kỷ niệm đáng nhớ tại núi Thần Đinh. Đỉnh núi phía sau mình kìa! Nhìn thì ngay vậy thôi nhưng đường lên thì xa lắm!

Bạn biết không, khi trên đường về trong lòng tôi có một suy nghĩ khác về sự cố xảy ra. Tôi không nghĩ về khía cạnh đáng sợ mà nghĩ rằng đó như là một trải nghiệm được thử thách. Hình như thần núi thích trêu đùa một chút những con người tò mò và lọ mọ tới đây trong bầu không khí có vẻ không phù hợp và không đúng thời điểm thì phải? Cũng có thể thần núi muốn chúng tôi quay lại vào một dịp khác? Cũng có thể thần núi chỉ muốn cho chúng tôi dạo chơi đến thế?

Không phải lúc nào cảm giác chinh phục thành công mới là giá trị. Đôi khi, những điều chúng ta chưa đạt được trong cuộc sống, những thứ suýt nữa ta chạm tới mà vẫn không tới nơi lại mang đến cho ta nhiều cảm xúc và nhớ về. Hành trình trải nghiệm cũng đáng được nâng niu!

Dấu ấn trong tôi

Nghĩ lại có lúc thấy sợ đó, nhưng nó khiến tôi cảm thấy vui và bình an. Có thể các bạn nghĩ rằng tôi đang quá suy diễn và có trí tưởng tượng khá phong phú. Nhưng theo tôi, dù có là điều gì đi nữa thì ta hãy thử nhìn mọi thứ theo góc độ khác. Cuộc sống sẽ nhiều màu sắc và giàu cảm hứng hơn nhiều!

Ngẫm lại tôi thấy rất thú vị về trải nghiệm ngày hôm ấy. Chỉ có ba người trên một ngọn núi trong ngày mưa gió. Đây là trải nghiệm dưới con mắt của một người chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế leo núi. Đối với những người có sở thích leo núi chuyên nghiệp thì họ đi một mình hoặc trải nghiệm chinh phục những ngọn núi là điều cũng khá bình thường.

Nhưng điều khiến tôi thấy đặc biệt là những cảm giác và trải nghiệm tâm linh bản thân có thể cảm nhận thấy rõ ràng. Dù có thể là tưởng tượng hay chỉ là cảm giác thì đó vẫn là điều rất đặc biệt. Và quan trọng hơn, điều tôi mong mỏi và tin rằng sẽ tới gặp được núi đã diễn ra như mong ước.

  • sống tích cực, enjoy cuộc sống, trải nghiệm leo núi Thần Đinh

Nhân duyên đầy thú vị với một người đồng hành nữa cùng chúng tôi trên núi Thần Đinh. Cũng nhờ vậy chúng tôi có cơ hội được chị chụp cho một số bức ảnh kỉ niệm rất dễ thương. Và bây giờ chúng tôi vẫn giữ kết nối.

Bạn đã tới đây lần nào chưa? Trải nghiệm của bạn như thế nào? Có thể trải nghiệm của bạn sẽ không giống tôi vì mỗi người sẽ có một góc nhìn và đến vào những thời điểm khác nhau. Những ai yêu thích loại hình du lịch tâm linh chắc chắn sẽ thích những địa điểm như thế này. Nếu bạn có dịp tới đây hãy đừng quên thử rửa đôi bàn tay dưới dòng nước mát lành từ Giếng Tiên, vào thăm động Thạch Nhũ kỳ bí với những chú dơi cô đơn. Ghé qua thắp nén nhang khu di tích chùa Non, chùa Hang và bày tỏ lòng thành kính với những ngôi mộ cổ ven đường nhé.

Bạn nên hỏi kĩ trước về đường đi lên tới đỉnh núi tránh sự chủ quan như chúng tôi và mang theo đồ ăn và mặc trang phục phù hợp cho leo núi.

Tuy chưa hoàn toàn lên được tới tận đỉnh núi nhưng chuyến đi này mang lại cho tôi cảm giác thật mãn nguyện. Làn gió mát lạnh vào da thịt, không khí thinh lặng như đứng yên và gió xào xạc vỗ về trên các tán lá trên núi sẽ mãi không bao giờ quên trong tôi. Cảm giác thật khó tả khi lạy đức phật trên núi khi trời nổi gió khiến hơi ớn lạnh nhưng sâu bên trong vẫn thấy bình an đến lạ thường. Nhờ chuyến đi này chúng tôi đã được trải nghiệm ngắm dòng sông Long Đại hiền hòa trong cơn mưa.

Có thể một ngày nào đó tôi sẽ quay lại. Có lẽ thần núi sẽ dang tay đón chào và cho tôi cơ hội chinh phục!

(Quảng Bình – Tháng 3.2022)

Núi Thần Đinh là địa điểm du lịch tâm linh được người dân gọi tên là núi Bất Nghĩa, có độ cao khoảng 405m so với mực nước biển. Ngọn núi nằm bên cạnh con sông Long Đại thuộc địa phận của thôn Rào Đá, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình. Trong khi tất cả các ngọn núi ở Quảng Bình đều quay về hướng Nam thì chỉ có một mình ngọn núi này quay về hướng Bắc. Còn khá nhiều sự tích hay được mọi người kể về ngọn núi linh thiêng này. Nếu có dịp, các bạn hãy thử tới núi nhé!

Highlight chuyến du lịch phượt 7 ngày khám phá vẻ đẹp tại Quảng Bình của hai vợ chồng mình nhân dịp kỉ niệm 7 năm ngày cưới.

Nếu bạn yêu thích nội dung này và tìm thấy những điều giá trị, tạo ra tác động tích cực cho bạn, hãy ủng hộ cho blog bằng cách mời mình một ly cà phê nhé! Chân thành cảm ơn bạn!
Enjoy your life!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *