Phân biệt Trí thông minh nội tâm (SQ) và Trí thông minh cảm xúc (EQ)

Trí thông minh nội tâm SQ và Trí thông minh cảm xúc EQ có sự khác biệt như thế nào? Cùng nhận diện hai loại hình trí thông minh có vai trò quan trọng trong phát triển bản thân và khả năng thấu hiểu chính mình nhé!

“Nội tâm” và “cảm xúc” là những yếu tố đều bắt nguồn từ bên trong con người. Hai phạm trù đều liên quan tới khả năng phát triển nhận thức và tư duy thấu hiểu bản thân. Bởi vậy, ngay từ định nghĩa giữa hai loại hình Trí thông minh nội tâm và Trí thông minh cảm xúc có thể sẽ khiến nhiều người khó phân biệt. Chính bản thân mình cũng cảm thấy khá mơ hồ khi tiếp cận tới 2 khái niệm trí thông minh này.

EQ đã thực sự là trí thông minh quan trọng nhất?

Trí thông minh cảm xúc (EQ) có lẽ quen thuộc hơn với đại đa số chúng ta bởi vai trò của nó được đề cao và nhắc tới nhiều trong những năm gần đây. Thậm chí, EQ được coi là tiêu chuẩn quan trọng trong đánh giá, lựa chọn, xây dựng phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp; Tiêu chuẩn được coi trọng trong giáo dục, đào tạo phát triển nhận thức và kĩ năng sống cho trẻ em, học sinh, sinh viên; …

Dưới góc nhìn của người đặt nền tảng về trí thông minh cảm xúc – Peter Salovey và John D.Mayer định nghĩa rằng:“ EQ là khả năng theo dõi cảm giác và cảm xúc của mình cũng như của người khác, phân biệt chúng, và sử dụng thông tin này để dẫn dắt tư duy và hành động của mình”. Hiểu đơn giản thì EQ là khả năng thấu hiểu bản thân và kiểm soát bản thân, là khả năng cảm thông và thấu hiểu người khác. Đồng thời EQ cũng giúp mang lại các kĩ năng xã hội hữu ích cho mỗi người.

Vậy Trí thông minh nội tâm thì sao?

Mình cũng chỉ mới biết đến trí thông minh nội tâm khi đọc một cuốn sách phân tích sâu về vai trò của loại hình này. Qua một số thông tin tiếp cận được, mình cảm thấy nó có vai trò không kém phần quan trọng trong việc hoàn thiện bản thân, mang tới một đời sống toàn vẹn hơn trong cả đời sống cá nhân và trong công việc.

Trí thông minh nội tâm có sự kết nối mật thiết với khả năng nhận diện cảm xúc bản thân

Trí thông minh nội tâm được viết tắt là SQ (Spiritual Intelligence). SQ là một loại năng lực để tự nhận thức được bản thân.  

Với một vài cách diễn đạt khác về SQ, mình cảm thấy chưa có sự phân biệt nhiều so với EQ. Nhưng theo định nghĩa của Cindy Wigglesworth trong cuốn 21 Kỹ năng trí thông minh nội tâm SQ, đã có sự khác biệt dễ nhận biết hơn so với EQ:

SQ là khả năng cư xử với tâm từ bi và trí tuệ, trong khi duy trì sự bình an bên trong lẫn bên ngoài, bất chấp hoàn cảnh.”

Cindy Wigglesworth

Cindy Wigglesworth cho rằng, SQ là vai trò nền tảng cho tất cả các loại trí thông minh khác, liên kết và phát triển các kỹ năng cảm xúc và tư duy.

Trí thông minh nội tâm SQ được coi là thành phần chính trong nghệ thuật lãnh đạo.

Trí thông minh nội tâm SQ ngày càng được nhiều người ảnh hưởng công nhận là thiết yếu cho sự phát triển của cá nhân và kỹ năng lãnh đạo.

Người có trí thông minh nội tâm cao được cho rằng thường là những người có sự nhạy cảm và rất sâu sắc. Họ có đời sống nội tâm phong phú do có sự chiêm nghiệm và lắng nghe cuộc sống từ nhiều góc độ. Khả năng độc lập, tự cân bằng, là một trong những ưu điểm quan trọng nhất của Thông minh nội tâm.

Theo phân tích của ngành tâm lý học phát triển, trí thông minh SQ thường xuất hiện sau ba loại trí thông minh IQ, EQ và PQ. Để tiến tới cấp độ trí thông minh nội tâm SQ, cần phụ thuộc vào sự phát triển của EQ trước. Nhất là khi con người cần phát triển hoàn thiện kỹ năng ý thức về cảm xúc bản thân và kỹ năng đồng cảm.

Mối tương quan giữa SQ & EQ

SQ và EQ có sự gắn bó mật thiết với nhau. Nếu con người không có sự đồng cảm thì tâm từ bi không thể phát triển được. Khi trí thông minh SQ phát triển giúp tạo đà cho EQ nảy nở tăng tốc, tạo nên một vòng phát triển tuần hoàn.

Trí thông minh cảm xúc và trí thông minh nội tâm đều có khả năng tạo ra các điều kiện cho hạnh phúc. Chúng đều có vai trò trong phát triển kĩ năng làm việc nhóm, kết nối với người khác.

EQ & SQ và mối liên kết với đời sống hạnh phúc

Kỹ năng về EQ và SQ có liên hệ mất thiết với tuổi tác và có xu hướng phát triển khi con người lớn tuổi hơn. Nhưng không phải ai cũng cải thiện những trí thông minh này khi tuổi tác tăng lên. Những kĩ năng này đòi hỏi lòng quyết tâm, sự nỗ lực và cố vấn của người khác.

Trí thông minh nội tâm SQ có đo lường được không?

Nhiều chuyên gia cho rằng những gì liên quan tới nội tâm thì không thể đo lường bằng các công cụ. Nhưng theo phân tích của Cindy Wigglesworth, Trí thông minh nội tâm hội tụ 21 kỹ năng có thể rèn luyện và đo lường được. Sở hữu một trí thông minh nội tâm phong phú bạn sẽ có các khả năng như:

  • Nhận ra tiếng nói của cái tôi thanh lương
  • Sống một cuộc sống có mục đích và giá trị
  • Hiểu những người có quan điểm khác nhau
  • Giữ vững niềm tin trong những giây phút thử thách
  • Đưa ra các quyết định từ bi và trí tuệ

Để hiểu hơn về vai trò và tầm ảnh hưởng của Trí thông minh nội tâm SQ, các bạn có thể tham khảo cuốn sách SQ21 – 21 kỹ năng trí thông minh nội tâm. Mình sẽ còn viết về chủ đề này, phân tích thêm về các phương pháp nuôi dưỡng, phát triển SQ trong các bài viết tới. Các bạn đón đọc nhé!

Nếu bạn yêu thích nội dung này và tìm thấy những điều giá trị, tạo ra tác động tích cực cho bạn, hãy ủng hộ cho blog bằng cách mời mình một ly cà phê nhé! Chân thành cảm ơn bạn!
Enjoy your life!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *